MÁY ĐO ĐƯỜNG HUYẾT LÀ GÌ? HƯỚNG DẪN CÁCH ĐO ĐƯỜNG HUYẾT TẠI NHÀ

Hiện nay, trong xã hội hiện đại, bệnh tiểu đường được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm bởi nó chưa có cách chữa trị hoàn toàn, chúng ta chỉ có thể kiểm soát và giữ mức đường huyết ở trạng thái ổn định và phòng ngừa, giảm thiểu biến chứng. Nhiều bệnh nhân tiểu đường vẫn nghĩ rằng lượng đường huyết chỉ có thể đo được nhờ các xét nghiệm hoặc thử mẫu tại các bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe. Bởi vậy, các bệnh nhân tiểu đường cần đi khám định kì, thường xuyên hơn. Tuy nhiên hiện nay, đường huyết hoàn toàn có thể được đo và được theo dõi tại nhà bởi các loại máy đo đường huyết. 

Vậy máy đo đường huyết là gì? Có cần thiết cho người bị tiểu đường tự sử dụng tại nhà không?
                                                                              

Máy đo đường huyết là một thiết bị điện tử có khả năng đo và tính toán số liệu đường huyết trong cơ thể người tại thời điểm đo, đưa ra một con số cụ thể, chính xác cho người dùng. Thiết bị y khoa này thường chứa các cảm biến hoặc các đầu que thử để xác định nồng độ Glucose trong máu.
Đầu que thử thường chứa thuốc thử, loại thuốc này sẽ tạo ra phản ứng điện hóa khi tiếp xúc với Glucose trong máu và từ đó cho ra kết quả là nồng độ đường theo đơn vị g/l. Với loại thiết bị này, bệnh nhân tiểu đường thường xuyên theo dõi được lượng đường huyết tại nhà và kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt để sức khỏe luôn ở trong ngưỡng ổn định.


NHỮNG LOẠI MÁY ĐO ĐƯỜNG HUYẾT PHỔ BIẾN HIỆN NAY
Đối tượng và phạm vi mắc bệnh tiểu đường thường rất rộng và nhu cầu sử dụng các loại thiết bị đo đường huyết cũng rất cao. Do đó, các nhà nghiên cứu, sản xuất thường cố gắng phát triển nhiều dòng máy, nhiều loại máy khác nhau để đáp ứng được nhu cầu sử dụng phong phú của khách hàng. Dưới đây là những loại máy đo đường huyết phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.

1. Phân loại theo que thử:
- Loại máy đo cài mã que thử dạng code: Loại này khi sử dụng cần thao tác thay thế và cài đặt mã que thử nên không phù hợp dùng cho người trung niên hoặc người lớn tuổi.
- Loại máy đo không cài que thử dạng code: Đây là loại máy tiên tiến và hiện đại hơn, máy sẽ tự động cài que thử và chỉ cần sử dụng. Loại này tiện lợi đối với đối tượng người già, người cao tuổi nhưng có giá thành khá đắt.

2. Phân loại máy theo chức năng đo:
- Máy chỉ đo đường huyết: Loại thiết bị này chỉ có chức năng đo chỉ số Glucose trong máu, dùng cho cá nhân và không có chức năng khác.
- Máy đo huyết áp và đường huyết: Đây là dòng máy mới và chưa thực sự phổ biến. Nó có thể đo được cả huyết áp và lượng đường huyết của người dùng.
- Máy đo đường huyết và mỡ máu: Với thiết bị đo này, bệnh nhân có thể thường xuyên theo dõi được các chỉ số Glucose và Cholesterol tại nhà và chủ động điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng như biết đâu là thời điểm cần thăm khám kịp thời.

- Máy đo đường huyết kết hợp 3 trong 1: Với loại máy này, người dùng có thể đo được cả 3 chỉ số là Glucose trong máu, Cholesterol và lượng Acid Uric.
* Trên thị trường hiện nay còn khá nhiều các loại thiết bị đo đường huyết khác được phân loại theo nhiều cách khác nhau nhưng 2 cách phân loại trên là cách phổ biến nhất và giúp người có nhu cầu sử dụng có thể dễ dàng hiểu được chức năng cũng như cấu tạo của thiết bị.


NGƯỜI BỊ TIỂU ĐƯỜNG CÓ NÊN MUA MÁY ĐO ĐƯỜNG HUYẾT ĐỂ DÙNG TẠI NHÀ KHÔNG?
Nhiều người bị tiểu đường có thói quen đi khám định kì hàng tháng và có ngưỡng đường huyết ổn định nên khi nhắc tới các loại máy đo đường huyết, họ thường rất phân vân và nhiều người vẫn cho rằng nó không thực sự quan trọng. Tuy nhiên, đây lại là suy nghĩ chưa thực sự đúng đắn.

Máy đo đường huyết rất quan trọng đối với những bệnh nhân tiểu đường. Đặc biệt là những người đã và đang cần tới sự hỗ trợ của các loại thuốc kiểm soát đường huyết. Việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày có thể vô tình khiến lượng đường huyết tăng lên trong khi việc đi khám định kì chỉ là 1 lần/tháng. Do đó, khi sử dụng thiết bị đo đường huyết, bạn có thể sẽ kiểm soát tốt hơn lượng đường huyết của mình và chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe. Từ đó, trì hoãn được những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
                                                                     

Các loại thiết bị, máy đo này thường rất nhỏ gọn, dễ dàng mang theo bên mình, tiện lợi và cũng rất dễ sử dụng, phù hợp với nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau. Ngay tại thời điểm người bệnh cảm thấy mệt mỏi hoặc có các triệu chứng khó chịu, có thể dùng thiết bị đo đường huyết để kiểm tra lượng đường và có những phương án giải quyết, xử lí kịp thời.

Người bệnh tiểu đường cũng có thể lựa chọn các loại máy đo đường huyết phù hợp với tình trạng bệnh, nhu cầu của bản thân và điều điều kiện kinh tế của mình. Hiện nay có khá nhiều chủng loại, tuy nhiên, chỉ nên sử dụng những loại có chức năng phù hợp để tránh lãng phí.

Dựa vào chỉ số đường huyết mà người bệnh tự đo mỗi ngày để lập kế hoạch luyện tập, chế độ ăn uống, sinh hoạt và tìm hiểu những loại thực phẩm, những mẹo giúp làm ổn định lượng đường huyết. Không chỉ thế, đối với những người cao tuổi, người thân có thể dùng máy đo để theo dõi sức khỏe của bố mẹ, ông bà và có chế độ chăm sóc phù hợp.

Với tầm quan trọng như vậy, mỗi người bệnh tiểu đường nên có 1 chiếc máy đo đường huyết và nên có thói quen sử dụng mỗi ngày. Không cần là những chiếc máy quá tốt nhưng hãy duy trì những thói quen để bảo vệ sức khỏe mỗi ngày. Không chỉ nên dùng cho người bệnh tiểu đường mà những người khỏe mạnh bình thường, cũng có thể dùng các máy đo này để tầm soát bệnh tiểu đường sớm.


HƯỚNG DẪN CÁCH ĐO ĐƯỜNG HUYẾT TẠI NHÀ
Bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn phù hợp và lối sống sinh hoạt hợp lý thì đo đường huyết tại nhà giúp bạn thường xuyên theo dõi được mức đường huyết của bản thân để kiểm soát bệnh tiểu đường. Dưới đây là hướng dẫn cách đo đường huyết tại nhà dành cho bệnh nhân bị tiểu đường.


Các chỉ số đường huyết mà bệnh nhân tiểu đường cần biết
- Chỉ số đường huyết viết tắt là GI (glycemic index) là giá trị chỉ nồng độ Glucose có trong máu được đo bằng đơn vị mmol/L hoặc mg/dl. Nồng độ Glucose trong máu liên tục thay đổi từng ngày thậm chí từng phút, chỉ số đường huyết của mỗi người ở mỗi thời điểm là khác nhau. Nếu lượng đường này thường xuyên cao sẽ dẫn tới bệnh tiểu đường.
- Các chỉ đường huyết được phân làm 4 loại: đường huyết khi đói, đường huyết sau ăn 2 giờ, đường huyết bất kỳ, HbA1c.

Chỉ số đường huyết an toàn với người bình thường như sau
  + Đường huyết ngẫu nhiên: <140 mg/dL (7,8 mmol/l)
  + Đường huyết lúc đói: <100 mg/dL (< 5,6 mmol/l)
  + Sau bữa ăn: < 140mg/dl (7,8 mmol/l)
  + HbA1C: < 5,7 %


Cụ thể là:

  + Giá trị đường huyết đói là các giá trị đường huyết được đo vào buổi sáng lúc chưa ăn gì. Đường huyết đói mà không ổn định có nghĩa là do những biện pháp kiểm soát đường huyết của bạn không đạt hiệu quả. Theo các chuyên gia y tế, nếu chỉ số đường huyết lúc đói ở khoảng giữa 70 mg/dL (3.9 mmol/L) và 92 mg/dL (5.0 mmol/L) có nghĩa là trong vòng 10 năm tới bạn không có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.
  + Giá trị đường huyết sau ăn của người bình thường là dưới 120mg/dL (6.6 mmol/L), đo trong vòng 1 – 2 giờ sau ăn. Nếu chỉ số đường huyết sau ăn không ổn định chứng tỏ là khẩu phần ăn của bạn chứa nhiều chất bột đường, hoặc do tuyến tụy không tiết đủ Insulin để kiểm soát thức ăn dung nạp vào cơ thể. Cần lưu ý rằng nếu đường huyết khi đói cao cũng gây đường huyết sau ăn tăng cao.
  + Xét nghiệm Hemoglobin A1c (HbA1c): HbA1C thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường.


Lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL (3.9 mmol/L) thì được coi là hạ đường huyết. Đây là tình trạng nguy hiểm và cần được cấp cứu kịp thời. Sự tụt giảm đường huyết này vẫn có thể tiếp tục diễn ra và khiến cho người bệnh có thể rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương não.Tuy nhiên, nếu lượng đường huyết cao sẽ dẫn đến làm giảm khả năng tiết insulin của các tế bào tuyến tụy. Để cung ứng đủ nhu cầu của cơ thể, tuyến tụy phải làm việc ngày một nhiều hơn cho đến khi bị quá tải và hư hỏng. Bên cạnh đó, nó còn làm cho mạch máu bị xơ cứng hay còn gọi là tình trạng xơ vữa động mạch. Hầu hết các bộ phận trên cơ thể đều có khả năng bị tổn thương do chỉ số đường huyết cao.


Đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?
  + Mức đường huyết trước khi thức giấc là 90mg – 130mg/dL( 5-7 mmol/L).
  + Trước khi ăn có thể dao động trong khoảng từ 70mg/dL đến 130mg/dL (4-7mmol/L).
  + Mức đường huyết có thể tăng cao sau 1- 2h ăn nhưng không thể vượt quá 180mg/dL.
  + Bên cạnh trước khi đi ngủ mức đường huyết nên nằm trong khoảng từ 110 mg/dL đến 150mg/dL.


Trong bất cứ trường hợp nào dưới ngưỡng 70 hoặc trên ngưỡng 150mg/dL đều có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh liên quan đến chuyển hóa đường trong cơ thể.


Tại sao bạn phải tự theo dõi đường huyết tại nhà?
Đầu tiên, theo dõi đường huyết giúp người bệnh và bác sĩ phát hiện nồng độ đường trong máu cao hay thấp, tạo điều kiện cho quá trình điều chỉnh điều trị để đạt được mục tiêu A1c dài hạn. Theo dõi đường huyết thường xuyên sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và theo dõi được diễn biến của bệnh tiểu đường để thuận lợi cho quá trình điều trị, điều chỉnh thuốc hợp lý và hiệu quả.

Việc tự theo dõi đường huyết tại nhà còn giúp bạn kiểm soát tốt chế độ ăn, hạn chế nguy cơ hạ đường huyết và tăng đường huyết quá mức ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Ngoài ra, theo dõi đường huyết tại nhà còn giúp bạn điều chỉnh những thay đổi tích cực thông qua việc tuân thủ điều trị và điều chỉnh lối sống khoa học, lành mạnh như: cân đối bữa ăn, cường độ luyện tập thể dục, tăng giảm liều thuốc hạ đường huyết…

Ngoài ra, bác sĩ thường khuyên bệnh nhân tiểu đường đo đường huyết hàng ngày với mục đích sau:
  + Theo dõi và đánh giá tác dụng của các phương pháp điều trị mà bác sĩ đang sử dụng trên từng bệnh nhân
  + Đánh giá ảnh hưởng của chế độ ăn cũng như lối sống của bệnh nhân lên nồng độ glucose trong máu, từ đó bác sĩ có thể đưa ra các lời khuyên để điều chỉnh chế độ sinh hoạt phù hợp
  + Giúp bác sĩ đánh giá lại mục tiêu điều trị tổng thể sau mỗi lần điều trị đái tháo đường
  + Đánh giá ảnh hưởng của một số yếu tố khác như tình trạng bệnh tật hoặc trạng thái tâm lý sức khỏe lên nồng độ đường huyết của bệnh nhân


Ai cần đo đường huyết thường xuyên tại nhà?
Các đối tượng cần theo dõi đường huyết tại nhà bao gồm: người bệnh tiểu đường type 1, người bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh nhân tiểu đường type 1
Thông thường bệnh nhân tiểu đường tuyp 1 nên đo đường huyết khoảng 3-5 lần một ngày. Thường trước bữa ăn, trước và sau khi tập thể dục, trước khi đi ngủ và có thể là đo đường huyết lúc nửa đêm. Ngoài ra, người bệnh còn phải đo đường huyết thường xuyên hơn khi bị ốm, thay đổi thói quen hoặc khi uống thuốc khác để đánh giá lượng đường huyết khi có một yếu tố nào đó thay đổi.

Bệnh nhân tiểu đường type 2
Số lần phải đo đường huyết của bệnh nhân tiểu đường type 2 tùy thuộc vào lượng thuốc và insulin mà bệnh nhân sử dụng. Người bệnh nên thử đường huyết một số lần như sau:
  + Thử lúc đói vào buổi sáng, trước bữa ăn trưa, trước khi ăn tối.
  + Sau ăn sáng, trưa, tối từ 1-2 giờ
  + Trước lúc đi ngủ
  + Lúc 2 giờ hoặc 3 giờ sáng: khi nghi ngờ có hạ đường huyết vào ban đêm


Các trường hợp khác
Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng cần theo dõi mức đường huyết tại nhà như:
  + Nghi ngờ đường huyết quá cao, quá thấp
  + Thay đổi thuốc điều trị, thay đổi liều lượng sử dụng thuốc
  + Thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt, chương trình tập thể dục trong quá trình điều trị bệnh
  + Uống rượu, ăn món ăn khác lạ
  + Khi bị bệnh.
  + Khi mang thai.
  + Có lối sống ít vận động, lười tập thể dục thể thao
  + Nam có vòng bụng trên 90cm, nữ có vòng bụng trên 80cm
  + Người mà trong gia đình có người đã bệnh lý đái tháo đường
  + Phụ nữ có tiền sử bị buồng trứng đa nang hoặc đái tháo đường thai kỳ
  + Có dấu hiệu rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước hoặc chỉ số HbA1c lớn hơn hoặc bằng 5.7%
  + Bị bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch hoặc xơ vữa động mạch


Cách tự kiểm tra Glucose máu tại nhà
Bước 1: Lựa chọn ngón tay để lấy mẫu máu
Vị trí sử dụng để lấy màu chính là đầu ngón tay vì đây là vị trí máu lưu thông đến nhanh hơn các bộ phận khác như lòng bàn tay, bắp tay, đùi…


Bước 2: Rửa tay thật sạch
Sau khi ăn uống, làm việc có thể các chất từ thức ăn, vi khuẩn có thể vẫn bám trên tay bạn nên sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra. Cho nên việc rửa tay sạch sẽ trước khi kiểm tra sẽ cho bạn một kết quả chính xác cao trong việc đo đường huyết là rửa sạch tay nhất là phần ngón tay bằng xà phòng hoặc cồn 70 độ sẽ giúp bạn làm sạch tay khỏi vi khuẩn bám trên tay.

Bước 3: Lau tay khô trước khi sử dụng máy đo tiểu đường
Lau khô tay để nước hoặc cồn không đọng trên tay có thể làm loãng mẫu máu ảnh hưởng đến kết quả đo.

Bước 4: Mở nắp lọ que thử, lấy que thử cắm vào đầu máy đo huyết áp
Bạn mở nắp lọ que thử và lấy ra một que để sử dụng. Sau đó, đóng chặt lại thật nhanh để tránh không khí lọt vào hộp đựng que thử. Lấy que thử cắm vào đầu của máy đo tiểu đường. Máy sẽ tự khởi động ngay sau đó với số code trùng với code trên hộp que thử. Trong đường hợp 2 code này không giống nhau thì bạn liên hệ với nhà sản xuất máy đo đường huyết bởi vì nếu bạn thử máu sẽ không cho kết quả chính xác.

Bước 5: Gắn kim lấy máu vào bút, tùy chỉnh độ nông sâu của kim
Sau khi gắn kim lấy máu vào bút lấy máu. Bạn vặn nắp kim theo chiều ngược lại để lấy kim ra. Sau đó nắp bút lấy máu lại. Xoay nắp bút, chỉnh độ sâu của kim phù hợp với da của bạn.

Bước 6: Thả lỏng tay, bấm nắp bút vào ngón tay để lấy mẫu máu

Bước 7: Nặn ép máu, đưa giọt máu vào que thử trên máy đo đường huyết

Bước 8: Đọc kết quả hiển thị trên máy
Sau khoảng 5 giây (tùy theo máy) sẽ hiển thị kết quả. Bạn lưu lại kết quả đo và so sánh với bảng đo đường huyết. Kết quả trên máy đo tiểu đường có thể được đo bằng mmol/l hoặc mg/dl.

Sau khi đọc kết quả, nếu thấy kết quả vượt ngưỡng cho phép bạn nên đến cơ sở y tế để kiểm tra lại và được bác sĩ tư vấn điều trị hiệu quả nhất. Điều quan trọng là bạn không được tự ý mua thuốc và điều trị tại nhà khi phát hiện nồng độ đường trong máu quá cao.

Những lưu ý về cách thử tiểu đường tại nhà
Kiểm soát lượng đường máu tại nhà mang đến khá nhiều lợi ích cho chúng ta. Tuy nhiên, vẫn có các lưu ý bạn không nên bỏ qua để đạt được hiệu quả tốt nhất. Các lưu ý gồm có:
  + Lựa chọn máy đo đường huyết tốt và làm theo hướng dẫn sử dụng
  + Hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị để bác sĩ cho bạn sự chỉ định và những hướng dẫn cần thiết
  + Ghi chép rõ thời gian, kết quả và các thông tin liên quan để có cơ sở so sánh, theo dõi mức glucose máu của bản thân. Đây cũng là cơ sở để bác sĩ tìm hiểu, đánh giá tiến trình điều trị bệnh của bạn.
  + Giữ thói quen đo theo định kỳ, gắn thời điểm đo với các hoạt động sinh hoạt hằng ngày.
  + Đo luân phiên ở các đầu ngón tay chứ không đo liên tục trên cùng một ngón. Không tiến hành lấy máu nếu bạn cảm thấy đau nhức ở đầu ngón tay.
  + Tuyệt đối không được tái sử dụng những loại que thử, kim lấy máu. Việc này vừa tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, vừa làm sai lệch kết quả đo.


Hi vọng qua hướng dẫn cách đo tiểu đường tại nhà trên đây sẽ giúp bạn nắm rõ quy trình tự kiểm tra lượng đường trong máu ngay tại nhà. 
Tham khảo các loại máy đo đường huyết phổ biến nhất TẠI ĐÂY.

 
Go Top

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế

Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế
Cửa Hàng Dụng Cụ Y Tế